Lịch sử Auxin

Năm 1880, Darwin đã phát hiện rằng bao lá mầm của cây họ lúa rất nhạy cảm với ánh sáng. Nếu chiếu sáng một phía thì gây ra quang hướng động, nhưng nếu che tối hoặc bỏ đỉnh sinh trưởng thì hiện tượng trên không xảy ra. Ông cho rằng: đỉnh ngọn bao lá mầm là nơi tiếp nhận kích thích ánh sáng, đã sinh ra một chất nào đấy liên quan đến hiện tượng trên. Sau đó Paal (1919) và Went (1928) đã chứng minh được sự tồn tại của chất này.

Năm 1926 Frits Went (người Hà lan), làm thí nghiệm cắt ngọn của diệp tiêu và đặt ngọn này lên một khối agar trong chừng một giờ (Hình 10) và được chiếu sáng.  Sau đó đặt khối agar không có diệp tiêu này lên phần diệp tiêu còn lại.  Phần diệp tiêu này tiếp tục tăng trưởng mọc cong về phía chiếu sáng và nếu đặt khối agar lệch trục diệp tiêu thì diệp tiêu cũng mọc cong ngay cả trong tối.  Khối agar kiểm chứng không gây một hiệu quả nào.  Rõ ràng rằng có một chất kích thích sinh trưởng đã khuếch tán từ phần ngọn diệp tiêu vào khối agar và khi đặt khối agar này lên phần diệp tiêu còn lại thì chất này được di chuyển xuống và kích thích sự tăng dài.  Went gọi chất này là auxin.

Đến năm 1934, giáo sư hóa học Kogl người Hà Lan và các cộng sự đã tách ra một chất dịch chiết nấm men có hoạt tính tương tự chất sinh trưởng Năm 1935 Thimann cũng tách được chất này từ nấm Rhyzopus. Người ta xác định được bản chất hóa học của nó là β-axit indol axetic(AIA).